Có an toàn không khi đứng trước lò vi sóng đang hoạt động?

0
95
Lò vi sóng giúp nấu, làm nóng đồ ăn như thế thì việc bạn đứng gần chúng có an toàn hay không? Liệu có bức xạ nào thoát ra và gây hại cho người dùng?
Theo báo cáo của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), sóng vi ba (microwave) là một loại bức xạ điện từ hay sóng năng lượng di chuyển trong không gian. Bức xạ điện từ có các dạng khác nhau, bao gồm sóng vô tuyến, ánh sáng nhìn thấy, tia X và tia gamma.
Sóng vi ba, giống như sóng vô tuyến, là một loại “bức xạ không ion hóa”, nghĩa là chúng không có đủ năng lượng để đánh bật các electron ra khỏi nguyên tử. Do đó, vi sóng không làm hỏng DNA bên trong các tế bào, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ. Ngược lại, tia X và tia gamma được phân loại là “bức xạ ion hóa”, đủ năng lượng loại bỏ các electron khỏi nguyên tử và có thể làm hỏng tế bào và DNA.
Mặc dù vi sóng không gây ra rủi ro sức khỏe giống như tia X, nhưng điều đó không có nghĩa là không có rủi ro. Lò vi sóng làm nóng thức ăn bằng cách làm cho các phân tử nước rung động, tạo ra nhiệt. Về lý thuyết, vi sóng có thể làm nóng các mô cơ thể người giống như cách chúng hâm nóng thức ăn và ở mức độ cao, vi sóng có thể gây bỏng và đục thủy tinh thể, theo FDA.



Nhưng những loại chấn thương này rất hiếm và thường xảy ra khi con người tiếp xúc với lượng lớn phóng xạ rò rỉ qua các lỗ hở trong lò. Live Science cho biết FDA yêu cầu lò vi sóng phải được thiết kế theo một cách nhất định để ngăn chặn các loại rò rỉ phóng xạ này. Ví dụ, lò vi sóng phải có hai hệ thống khóa liên động ngăn chặn việc cho ra vi sóng ngay khi cửa lò mở. Lò cũng có hệ thống giám sát ngăn thiết bị hoạt động nếu một trong các hệ thống khóa liên động bị hỏng.
Kết quả là, “có ít lý do để lo lắng” về việc vi sóng dư thừa rò rỉ ra khỏi lò, trừ khi có hư hỏng ở bản lề cửa, chốt… Chấn thương do bức xạ vi sóng là rất hiếm, FDA thông tin.
Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện biện pháp phòng ngừa để giữ an toàn cho bản thân khi sử dụng lò vi sóng. Cụ thể: FDA khuyên bạn nên kiểm tra lò vi sóng cẩn thận và không sử dụng nếu cửa không đóng đúng cách hoặc nếu nó bị “cong, vênh hoặc bị hư hỏng”. Để phòng ngừa thêm, FDA khuyến cáo, bạn không nên dựa hoặc đứng sát trực tiếp vào lò vi sóng trong thời gian dài khi nó đang hoạt động.
Thường các chấn thương phổ biến nhất là do bỏng liên quan đến chạm vào các vật chứa nóng hoặc thực phẩm quá nóng hoặc tiếp xúc với chất lỏng phát nổ. Cơ quan này cũng cảnh báo nên đọc và làm theo hướng dẫn sử dụng lò vi sóng, tuân thủ đúng thời gian làm nóng từng loại thực phẩm để giúp bạn an toàn khi sử dụng, theo Live science.

Thử nghiệm nhanh để biết lò vi sóng nhà bạn có rò rỉ bức xạ không, và nguy hiểm đến mức độ nào?

Thực tế, vi sóng chính là bức xạ, cụ thể là dạng bức xạ không ion hóa. Vậy sử dụng lò vi sóng có gây hại nhiều lắm không, hay là thôi không dùng nữa?

Bạn đã bao giờ được mẹ, dì, hay bất kỳ “tiền bối” nào trong lĩnh vực sử dụng lò vi sóng dặn đi dặn lại rằng: “Không được đứng phía trước lò khi lò đang hoạt động!” không? Lý do là đứng xớ rớ như vậy sẽ khiến bạn bị nhiễm bức xạ, và ai nghe nói đến bức xạ mà chả thấy ghê hết cả người. Tuy nhiên cũng có những người khác nói rằng không có vấn đề gì đâu nếu bạn đã đóng cửa lò cẩn thận. Và có cả những người khác “may mắn” sống được đến lúc này dù hoàn toàn chẳng được ai dặn dò gì hết.
lò vi sóng

(Ảnh: Internet)

Thực tế đúng là lò vi sóng có bức xạ, cụ thể hơn, vi sóng chính là dạng bức xạ không ion hóa. Nhưng khác với bức xạ ion hóa, hay bức xạ tần số cao – phát ra bởi các tia X hay tia gamma, và có khả năng gây ung thư trong một số trường hợp – các nhà khoa học cho đến nay vẫn chưa tìm thấy bằng chứng bức xạ không ion hóa có thể gây hại đến con người. Chưa kể Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (USFDA) có những quy định về lượng bức xạ tối đa mà những công ty sản xuất lò vi sóng buộc phải tuân theo và đảm bảo các sản phẩm bán ra thị trường đều không vượt quá mức đó. Loại vật liệu được sử dụng lót ở cửa lò cũng được lựa chọn dựa vào khả năng giữ những vi sóng có thể gây hại bên trong.
Tuy nhiên, có một thực tế khác đó là… lò vi sóng có thể bị rò rỉ. Ngoài trường hợp sử dụng lò mà không đóng chặt cửa thì vi sóng cũng có thể lọt ra ngoài qua những khoảng trống ở gần cửa, và những lò bẩn thì dễ bị tình trạng này hơn lò sạch. Bạn có thể làm một việc đơn giản để xem lò vi sóng nhà mình có đang trong tình trạng này hay không bằng cách đặt một chiếc điện thoại vào lò, lưu ý là lúc này lò không hoạt động, sau đó gọi vào máy này xem có đổ chuông hay không – nếu điện thoại đổ chuông thì cho thấy lò nhà bạn đã bị rò rỉ nên sóng điện từ có thể lọt qua.
Tất nhiên không ai muốn đùa giỡn, mang sức khỏe của mình ra thử nghiệm bất cứ điều gì, nên trước thông tin này, có thể bạn muốn cẩn thận vẫn hơn và đứng xa khỏi chiếc lò vi sóng đang hoạt động, như lời mẹ bạn vẫn dặn dò. Nhưng bên cạnh đó, đừng quá lo lắng và sợ hãi, vì cho đến lúc này, khoa học vẫn đang đứng về phía bạn, và thậm chí lượng bức xạ từ điện thoại di động của chúng ta thậm chí cao hơn lượng sinh ra từ lò vi sóng nữa kia. Mối nguy hiểm từ chiếc lò vi sóng, cho đến nay, mới chỉ đến từ việc sử dụng không đúng cách như cho vào lò những thứ không phù hợp hoặc quá vội vàng dẫn đến bỏng do nhiệt… bạn chỉ cần cẩn trọng những điều này thôi nhé!
lò vi sóng

(Ảnh: Internet)

Tổng hợp, theo wisegeek, nytimes
Nguồn:https://thanhnien.vn/suc-khoe/dung-truoc-lo-vi-song-co-so-buc-xa-gay-hai-khong-1141698.html
https://afamily.vn/thu-nghiem-nhanh-de-biet-lo-vi-song-nha-ban-co-ro-ri-buc-xa-khong-va-nguy-hiem-den-muc-do-nao-2016070811551594.chn



LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here